PHẬT GIÁO CÔNG GIÁO VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN VỀ TANG LỄ CỦA NGƯỜI VN
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA LỄ TANG XƯA VÀ NAY
Lễ tang trong ” Thọ mai gia lễ ” là một tập tục có từ rất lâu, bắt nguồn từ gia lễ thời xưa của Trung quốc. Ngày nay, tập tục này mặc dù đã lỗi thời nhưng vẫn được áp dụng rộng rãi trong nhân dân. Nói đến lễ tang, là ta phải xét đến tôn giáo, tùy theo tín ngưỡng của từng tôn giáo mà có những cách thức tiến hành ” Lễ tang ” khác nhau.
Thật ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KHKT, cùng với những nhận thức tiến bộ về “Sự sống, Vũ trụ”…trong cuộc sống đầy tất bật hôm nay, mấy ai trong chúng ta có đủ thời gian, tiền bạc và đủ tín ngưỡng để có thể thực hiện toàn bộ các tập tục mang ít nhiều màu sắc hủ tục, mê tín dị đoan có từ ngàn xưa. Tuy nhiên, quan niệm sau đây vẫn tồi tại: “Chết không có nghĩa là không còn nữa mà CHẾT chỉ là MẤT” nghĩa là “Một vật (vật chất) vừa MẤT đi tức là nó (linh hồn) vẫn CÒN HIỆN HỮU ở đâu đó”. Thật vậy, trong ký ức của chúng ta vẫn còn đọng mãi hình ảnh của họ, những người thân yêu nhất.
Có ba ngày trọng đại nhất của đời người : Ngày sinh, ngày cưới và ngày chết.
Chúng ta mong muốn tổ chức được một Lễ tang trang nghiêm, chu đáo cho người thân, giảm bớt các hủ tục lỗi thời, đồng thời cũng không nên tổ chức tang lễ quá hao phí.
Lễ nhập liệm
Gần đến giờ nhập liệm, gia đình cần phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ đồ cúng (có thể hỏi những người lớn tuổi, các vị Sư, Ban kẻ liệt(nếu gia đình theo Công giáo) hoặc cơ sở dịch vụ tang lễ.
*Phật giáo
+ Chuẩn bị nhang, đèn, lễ vàng mã và toàn bộ đồ lễ (Nhờ bên dịch vụ tang lễ chọn giúp những loại thích hợp và phân làm từng phần: nhập liệm, cúng cơm, động quan, rải dọc đường, hạ huyệt, mở cửa mã…,).
+ Chỗ để quan tài, 2 bàn cúng (một bàn thờ Phật, một bàn ‘vong’), 2 bộ chân đèn, 2 bát nhang, 2 trò, 2 dĩa trái cây, 2 bình bông và cơm, canh dành để cúng cơm (chay hoặc mặn).
+ Lập sẵn danh sách tất cả những người để tang theo thứ tự từ lớn đến nhỏ với các mục: Họ tên, tuổi (theo Âm lịch), quan hệ với người chết. (Thầy tụng sẽ đọc tên và phát tang trong lễ thành phục).
+ Treo hoặc dán bảng CÁO PHÓ trước cửa nhà ở vị trí dể quan sát. Bạn có thể lấy mẫu Cáo phó (in sẳn) của DV tang lễ, điền vào những thông tin về người chết, ngày giờ nhập liệm, động quan, an táng…Riêng đối với những gia đình không muốn nhận tiền phúng điếu, tràng hoa, lễ vật…thì điền thêm vào Cáo phó. Ví dụ: ”Gia đình xin miễn phúng điếu, tràng hoa cùng lễ vật. Xin cám ơn“.
+ Bắt đầu nhập liệm: Các con đi vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Quí Thầy sẽ đọc kinh (nếu không có Thầy, gia đình có thể dùng máy phát thanh). Nhân viên dịch vụ sẽ tiến hành mặc bộ đồ tẩm liệm, quấn vải liệm…Lúc này con cháu quỳ 2 bên, người con trưởng hoặc cháu đích tôn sẽ đến vuốt mắt người chết (nếu không nhắm thì có thể hơ lửa một miếng giấy cho nóng rồi vuốt từ trên xuống) rồi nâng đầu người chết, cùng với nhân viên mai tấng ‘ hạ thổ ‘ 3 lần (nâng tử thi nằm ngang vai rồi từ từ hạ thấp chạm đất), sau đó đặt vào quan tài một cách êm ái, đầu người chết được lót một gối nhỏ (làm bằng bát to gối đầu, hai bát nhỏ kê vai hoặc vải dồn trà hoặc bằng đất sét..).
+ Đồ khâm liệm thường được dùng bằng vải trắng. Nếu người chết lớn tuồi người ta còn dùng vải đỏ phủ lên trên. Dùng nhiều vải được gọi là Đại liệm, dùng ít vải gọi là Tiểu liệm. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, các DV lễ tang sẽ dụng túi bảo quản thi hài. Trong quan tài sẽ được nhân viên DV tang lễ chèn đầy bằng trภhoặc bằng bông nhài khô… Sau đó có thể bỏ vào quan tài một số quần áo cũ của người chết (sau khi đã cắt hết cúc).
+ Con cháu đến trước quan tài khấu đầu 2 lạy trước khi đóng nắp Áo quan. Chú ý: tang chủ không nên quá bi lụy, tránh để nước mắt rơi vào trong quan tài.
+ Trường hợp người chết đã cứng lạnh, người co rút không bỏ lọt vào trong Áo quan được, Nhân viên khâm liêm sẽ nắn dần chân tay co duỗi cơ khớp bằng thủ thuật cho thẳng ra kết hợp xoa bóp bằng cồn, rượu…Nếu thi hài to quá, 2 chiếc đủa cả để ở 2 bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần. Sau khi thi hài đã yên vị, cắt bỏ những dây buộc chân, tay, vai ,mông…để người chết có thể nằm thoải mái.
+ Mọi việc xong thì đậy nắp quan tài lại thật kỹ, đặt ở giữa nhà. Nếu ở nhà còn người lớn hơn thì đặt bên cạnh. Nhân viên dịch vụ sẽ trang trí đèn, lập bàn thờ phật, bàn vong, treo lá triệu (là tấm vải đỏ được viết bằng chử nho từ trên xuống, nội dung gồm tên, tuổi, địa chỉ của người chết…), đặt một cái siêu đất ở dưới quan tài, đổ dầu phộng vào nắp siêu đã được úp ngược, đốt đầu phộng bằng một cọng tim bứt…Dọn bàn vong gồm bát nhang, bình bông, chân đèn, trái cây, trà rượu, một chén cơm đầy có cắm một đôi đũa tre đặt ở giữa, hai bên là hai chén cơm lưng, mỗi chén có cấm một chiếc đũa…Làm lễ thiết linh: là lễ lập linh vị, con cháu đốt nhang vái lạy. Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà tế, do đó mỗi lần lạy chỉ lạy 2 lạy.
+ Lễ thành phục: là lễ phát tang, thường được tiến hành ngay sau khi nhập liệm. Thầy tụng sẽ phát tang hoặc người lớn tuổi trong gia đình tang chủ kết hợp với nhân viên DV lễ tang hướng dẫn con cháu tự mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp, mà người hộ tang thay mặc tiếp khách và nói lời thông cảm với khách. Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Lúc này, thân bằng cố hữu, bà con láng giềng mới đến phúng viếng.
*Công giáo
Theo đạo Công giáo, gia chủ không đặt nặng vấn đề cúng kiến, mà chủ yếu là đọc kinh cầu cho linh hồn người mất. Được sự giúp đở rất nhiệt tình của các vị Trùm và Ban kẻ liệt, gia đình chỉ cần chuẩn bị sẵn đồ tang phục (có một số người mặc đồ tang trườc khi nhập liệm).
Gần đến giờ nhập liệm, bà con Công giáo trong khu sẽ đến cùng gia đình đọc kinh, trước khi Cha Sở đến làm lễ. Đồ dùng tẩm liệm theo Công giáo là: vải trắng (không sữ dụng chiếu, vải đỏ)… Cha Sở làm lễ xong (khi người chết đã được đặt vào quan tài) liền ra về, phần nghi lễ còn lại do các Ông Trùm làm tiếp.
Nghi lễ Công giáo có phần trang nghiêm hơn Phật giáo. Bàn thờ theo Công giáo đơn giản là một bảng tên thánh, bình bông huệ trắng, cây thánh giá … phía sau quan tài treo một tấm vải có thiêu tên giáo xứ, tên thánh của người chết. Trước nhà có treo bốn lá cờ nhỏ có thiêu chử. Ví dụ: Sống gửi thác về.
Lễ động quan Trước kia, tang chủ thường tự mua Quan tài còn hiện nay các Cơ sở dịch vụ tang lễ đảm nhiệm việc cung cấp áo quan, tẩm liệm và làm mọi thủ tục trang trí, bầy biện theo nghi thức Tôn Giáo.
*Phật giáo
Trước giờ động quan, thầy tụng đọc kinh, làm lễ Cáo đạo lộ (còn gọi là lễ Cúng đường). Tang chủ cần hỏi các Sư cùng kết hợp với nhân viên phục vụ lễ tang về cách sắp đặt lễ cúng, đồ cúng tại nhà, nhà tang lễ cũng như tại nghĩa trang, hoặc đài hóa thân hoàn vũ để chuẩn bị cho chu đáo.Tiếp theo là lễ Bái quan: Khi được phép thống nhất của gia chủ, người chấp hiệu (là người chỉ huy) sẽ điều khiển những người thích hợp vào vị trí chuyển cữu.Tang chủ kiểm tra lại đèn nhang. Người chấp hiệu vái lạy, thắp nhang, chỉ đạo đốt vàng mã đốt vàng mã, rải gạo muối...
Theo Phật giáo, khi khiêng quan tài thì tuân theo nguyên tắc đầu quan tài đi trước, chân quan tài đi sau. Các con trai chia nhau cầm bát nhang, hình, bài vị … bước theo các vị Sư đi trước quan tài.Con gái, cháu, chắt … phải đi sau quan tài( đối với người mất là nam), đối với người mất là nữ thì con trai phải đi giật lùi trước linh cữu . Khi linh cữu vừa ra khỏi nhà, gia chủ sẽ cho người đập vỡ cái siêu đất để dưới quan tài (với ý nghĩa là mong cho linh hồn người chết mau được siêu thoát).
Người chấp hiệu sẽ điều khiển cho quan tài quay lại chào nhà lần cuối. Quan tài được hạ đầu xuống ba lần. Ra khỏi nhà, quan tài được khiêng trên vai một đoạn rồi mới đưa lên xe tang. Nếu người chết lớn tuổi, người ta còn tổ chức ‘ đi bộ ‘ một đoạn để những người già có thể đưa tiễn thêm. Đòan đi bộ do các Sư dẫn đầu, tiếp theo là cờ, lộng, một cái bàn có giá để treo tấm triệu, một bàn vong, đi kèm với bàn vong là các con trai, cháu đích tôn…Con cháu mang tang sẽ đi bộ theo sau xe tang. Những người có tang được che bằng Phương du (đó là một tấm bạt lớn, có bốn cây để chống bốn phía, đươc bốn người cầm), theo sau là những người đưa tiển. Nếu gia đình có mời ban nhạc thì ban Nhạc nam đi trước quan tài, ban Kèn tây sẽ đi sau. Đoạn đường ” Đi bộ ” không nên quá dài vì dễ gây cảnh ùn tắc giao thông.
Các gia đình tang chủ có điều kiện đoàn xe tang thường gồm có một xe chở các nhà Sư dẫn đầu. Theo sau là xe chở quan tài và các xe đưa khách chạy sau cùng. Gia đình nên chuẩn bị sẵn một lộ trình thống nhất, thông báo trước cho các tài xế hầu tránh trường hợp đoàn xe bị cắt khúc, lạc đường. Tốc độ của đòan xe nhanh hay chậm do xe dẫn đầu quyết định.
*Công giáo
Lễ động quan theo Công giáo được chia làm hai phần. Đầu tiên, bà con trong họ sẽ đọc kinh trước giờ động quan. Sau đó linh cữu sẽ được đưa vào nhà thờ làm lễ. Thông thường, lúc sinh thời người chết đi lễ tại đâu thì sẽ được Cha Sở của nhà thờ đó làm lễ. Đặc biệt, nếu người chết đã từng làm Cha Sở hoặc người chết là cha, mẹ của Cha Sở hay các vì nữ tu thì sẽ được nhiều Cha đến làm lễ Đồng tế. Người theo đạo công giáo ít khi mời các ban Nhạc nam mà họ thường chỉ sử dụng Ban kèn tây khi đưa tiễn.
1.Tang phục
Ngày xưa, người ta qui định có năm hạng tang chế là: Đại tang (3 năm), Cơ niên (1 năm), Đại công (9 tháng), Tiểu công (5 tháng)…Ngày nay, phong tục này đã được giãm gọn lại rất nhiều. Đồ tang thường được may bằng vải sô (vải mùng) hoặc vải tám màu trắng. Bạn nên nhờ các Trại hòm lo giúp, người ngoài có thể phân biệt ai là con ruột, con rể, con dâu … của người chết.
+ Con trai, cháu đích tôn : Áo, quần, mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng và gậy tang (để tang cho cha dùng gậy tre, để tang cho mẹ dùng gậy vong). Riêng một số gia đình Công giáo không sử dụng dây rơm và gậy.
+ Con gái, con dâu: Áo, quần, khăn trùm đầu.
+ Con rể: quần, khăn cột đầu.
+ Cháu nội, ngọai: khăn trắng cột đầu có chấm xanh, đỏ để phân biệt.
+ Cháu cố: khăn vàng cột đầu.
Hiện nay, tùy theo hoàn cảnh từng người mà thời gian để tang thường được kéo dài khoảng từ một năm, 100 ngày, 49 ngày, hoặc ngay sau khi mở cửa mã.
Có một câu hỏi thường được đặt ra là: Trong trường hợp người con chết trước cha mẹ thì cha mẹ có phải để tang cho con không ?
Theo ” Thọ mai gia lễ “, để tang là việc thể hiện tình nghĩa, thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất, người còn. Như vậy, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang. Cha mẹ có thể để tang con, ông bà cũng có thể để tang cháu.
Tuy nhiên, theo quan niệm phương Bắc ” Phụ bất bái tử ” (cha không lạy con) và con cháu chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời. Vì vậy, chẳng những cha mẹ không để tang con mà ngược lại, khi khâm liệm còn phải quấn lên đầu một vòng tang trắng. Cha mẹ có khi vì quá đau buồn, đã ngất lịm đi bên mộ huyệt của con, nên cha mẹ nhiều khi không đưa tang con là đúng.
Ngày nay, người ta thường áp dụng phương cách sau: Cha mẹ không để tang con nhưng vẫn thắp nhang, khi tẩm liệm xong đặt một hoặc hai mãnh khăn trắng lên trước đầu quan tài, thay thế cho việc con phải để tang cha, mẹ sau này (khi cha mẹ mất) trong thời gian để quan tài tại nhà. Thiết nghĩ, đó là việc làm hợp tình hợp lý.
2.Lễ cúng trong đám tang
Bà con theo Phật giáo (hoặc thờ Ông Bà) thường tổ chức nhiều lễ cúng trong đám tang. Trong các đề mục trước ta đã xem qua lễ nhập liệm, lễ động quan, lễ hạ huyệt … Tuy nhiên, sau khi chôn cất xong, người ta còn tổ chức các lễ sau:
3.Lễ tế ngu (lễ mở cửa mã)
+ Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Thực ra, trong điển lễ thì không có ‘ lễ ba ngày ‘ mà chỉ có ‘ lễ tế ngu ‘ gồm có ‘ sơ ngu ‘ – lúc rước linh vị về nhà sau khi chôn; ‘ tái ngu ‘ – sau ngày ‘ sơ ngu ‘ khi gặp được ‘ ngày nhu ‘ (tức là ất, kỷ, tân, quí) và ‘ lễ tam ngu ‘ (sau khi chôn gặp ngày cương – tức là giáp, bính, mậu, canh, nhâm. Ngày nay, người ta giản lược, kiêm luôn cả ba lễ, chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày hay lễ mở cửa mã. Lễ này tính ba ngày sau khi chôn, đó là vì có nhiều trường hợp sau khi chết bốn năm ngày, thi thể còn để trong phòng lạnh, đám tang chỉ có thể được cử hành nhiều ngày sau khi chết. Vào ngày đó, con cháu sửa lại mã, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước… thắp nhang, đốt giấy vàng mã…Đồ cúng phải có một cái thang tre nhỏ có bảy hoặc chín bậc (theo ‘ nam thất, nữ cửu ‘)… Người dân làm lễ này do các quan niệm :
+ Một người đang sống bình yên, bỗng nhiên mọi họat động bị đình chỉ.
+ Đang nhìn thấy người thân, khi đã nhập quan bỗng nhiên không còn gặp lại nữa.
+ Đang ở trên dương thế nay chết đi thân xác về cỏi âm, hồn vất vưởng lìa khỏi xác, âm dương hoàn toàn cách biệt. Sau lễ thành phân, sơ ngu, tái ngu, tam ngu là lễ tế để làm cho yên ổn hồn phách.
4.Lễ cúng thất
+ Đối với các gia đình Việt nam, bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất, hạnh phúc nhất. Nếu trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ để ăn cơm một lúc cho vui vẻ. Nay, bỗng nhiên nhà có người đi xa không bao giờ trở lại. Tục cúng cơm hình thành từ đó. Trước bữa ăn, người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, ở nhà đang ăn gì thì cúng thứ ấy. Sau khi thắp hương, người ta dùng đôi đũa vào giữa bát cơm, rót rượu, khấn vái, rót nước…. Theo thuyết nhà Phật: linh hồn người chết phải qua bảy lần phán xét, mỗi lần bảy ngày đi qua một điện ở âm ty thì vong hồn mới siêu thoát. Tục cúng thất là cúng vào các ngày theo tuần, kể từ ngày mất: 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày… Làm lễ chung thất (49 ngày) và tốt khóc(100 ngày) không cần phải chọn ngày, cứ đúng ngày qui định trong gia lễ mà làm.
+ Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vì vậy từ xưa đến nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có năm ngày đó rất xấu. Chẳng lẻ con cháu ở phương xa nhớ ngày về làm lễ, đến nơi thấy khói tàn hương lạnh, lủi thủi ra về sao ?. Tang tế là ngày định sẵn, thân bằng cố hữu ai lưu luyến thì đến thăm viếng, không đợi thiếp mời như lễ mừng.
5.Lễ trừ phục (đàm tế)
+ Sau khi an táng hai năm, người ta chọn một ngày tốt để làm lễ trừ phục. Trừ phục gồm có 3 lễ:
1. Lễ sửa mộ.
2. Lễ đàm tế: Cất khăn tang, hủy (đốt) các thứ thuộc về phần lễ tang, rước linh vị lên bàn thờ chính, bỏ bàn thờ tang, thu cất các bức trướng, câu đối viếng…
3. Lễ rước linh vị vào chính điện và yết cáo tổ tiên: Chép sẵn linh vị mới, khi đàm tế ở bàn thứ tang xong thì đốt linh vị cũ. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới.
6.Lễ nào là lễ trọng ?
+ Lễ giỗ: Phong tục các nơi đều thống nhát lấy giỗ cha mẹ là chính (cha mẹ của người tôn trưởng nhất trong nhà).
+ Lễ tang: Phong tục mỗi nơi mỗi khác. Có nơi chú trọng lễ 49 ngày, nơi khác coi lễ 100 ngày là lễ chính, có nơi làm lễ 3 ngày xong xuôi tốt đẹp là được. Đó là có thể trong lúc tang gia bối rối, việc thù đáp đối với thân bằng cố hữu và những người đến hộ tang có nhiều khiếm khuyết nên họ lấy lễ 3 ngày là lễ trọng. Đó xem như là dịp để tang gia tạ ơn những người đã săn sóc cha mẹ mình khi đau yếu và giúp đở gia đình lo xong đám tang. Có nơi coi trọng lễ giỗ đầu (‘Tiểu tường’), có nơi coi trọng lễ giỗ thứ hai (‘Đại tường’).
PHONG TỤC TANG LỄ VIỆT NAM
(Theo Tân Việt: Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam)
1- Dấu hiệu người sắp chết
2- Trong lúc thân nhân hấp hối
3- Làm gì sau khi thân nhân mất
4- Năm hạng tang phục là gì (ngũ phục)
5- Cha mẹ có đưa tang con không?
6- Cư tang
Người sắp chết có những dấu hiệu gì báo trước?
Thật kỳ lạ, xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những cụ cao tuổi có kinh nghiệm “Tri thiên mệnh”, biết trước được ngày mất của mình, mặc dầu ngày hôm trước vẫn khoẻ mạnh, thậm chí có người còn tính trước được giờ mất, đánh điện cho con cháu xa về. Trong trường hợp đó gia đình phần nào đã chủ động chuẩn bị tang lễ, nhưng những trường hợp đó rất ít.
Đối với những người già yếu, có những dấu hiệu gì báo trước giờ hấp hối mà ta có thể quan sát được?
– Xem thần sắc: chủ yếu xem hai đáy mắt còn tinh anh không hay đã đục mờ.
– Sờ chân tay xem còn nóng hay đã lạnh, người sắp chết thường lạnh từ đầu đến chân. Có người còn nhận biết mình đã chết đến đâu.
– Mạch rất trầm, có khi người còn sống nhưng không bắt mạch được nữa. Đối với người suy tim, sờ tưởng như tim đã ngừng đập, nhưng vì đập yếu nên không phát hiện được.
– Để một ít bông vào lỗ mũi mà bông không còn động đậy tức là đã tắt thở.
Có người đau ốm lâu dài, bỗng nhiên mạnh khoẻ trở lại rất tỉnh táo, nhiều khi đó là dấu hiệu của ngọn đèn hết dầu loé sáng lên để rồi tắt ngấm. Các cụ già thường bỏ ăn, hoặc là rất muốn ăn nhưng ăn được rất ít trước khi mất.
Cũng có trường hợp, mệnh đã tuyệt nhưng có lẽ vì nuối tiếc con cháu ở xa chưa gặp được, hoặc do được bổ xâm hồi dương với hy vọng trong muôn một có thể qua khỏi hoặc kéo thêm ít giờ để tránh ngày xấu như trùng tang, trùng phục… thì có thể kéo dài thêm chút ít.
Trong những giờ phút thân nhân hấp hối, người nhà cần làm gì?
– Dời người sắp mất sang phòng chính tẩm, đầu hướng về phía Đông.
– Hỏi xem có dặn dò trối trăng gì không
– Đặt thụy hiệu (tức tên hèm) rồi hỏi người đó có đồng ý không.
– Luôn luôn có người túc trực bên cạnh.
– Người có theo tôn giáo thì làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.
– Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội (làm lễ mộc dục) và khâm liệm (lễ nhập quan).
Sau khi thân nhân mất, gia đình cần làm những gì?
Chúng tôi chỉ nêu lên những việc làm đối những trường hợp người già yếu, mất tại nhà, theo phong tục cổ truyền. Trường hợp mất tại bệnh viện hoặc mất dọc đường, quán trọ, chết vì tai nạn, gươm súng, xe cộ, rắn độc, thuỷ hoả tai, chưa đúng kỳ đáng chết… không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ thao tác và nghi lễ, vậy nên châm chước, tuỳ nghi vận dụng:
1. Lễ mộc dục: (tắm gội)
Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. Lúc tắm, vây màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; “nay xin tắm gội để sạch bụi trần”, xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy vuông vải dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân,mặc quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.
2. Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan:
Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiếc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).
3. Lễ phạn hàm:
Lễ này theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát. Lễ này ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.
Theo “Thọ mai gia lễ”, lễ này được tiến hành như sau:
Lấy ít gạo nếp xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai).
Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: ” nay xin phạn hàm, phục duy hâm nạp”. Người chấp sự lần lượt xướng “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm”. Tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.
4. Lễ khâm liệm nhập quan:
Các con vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan”. “Cẩn cáo” xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.
Đồ khâm liệm: nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.
“Tục ta nhiều người tin theo thầy phù thuỷ, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi nhập quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài. Có người cho là chết phải giờ sấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn át ma quỷ” (Trích “Việt Nam phong tục”- Phan Kế Bính – tr.31)
Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian cạnh.
5. Lễ thiết linh: (Sau khi nhập quan)
Là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang.
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ “Cố phụ”, “Cố mẫu” thay cho “Hiền thảo”, “Hiền tỷ”.
6. Lễ thành phục:
Tức là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.
Trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan thì làm thế nào?
Theo kinh nghiệm dân gian: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài dã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái.
Năm hạng tang phục (Ngũ phục) là gì?
Theo “Thọ mai gia lễ”, có năm hạng tang phục tuỳ theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ:
1.Đại tang: Trảm thôi và tề thôi.
– Quần áo sổ gấu gọi là trảm thôi: Con để tang cha.
– Quần áo không sổ gấu gọi là tề thôi: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất.
– Thời hạn: 3 năm, đời sau giảm bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ đại tường 2 năm, thêm 3 tháng dư ai).
– Áo xô, khăn xô có hai giải sau lưng (gọi là khăn ngang).
Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai giải dài ngắn lệch nhau.
– Con trai chống gậy: Tang cha gậy tre, tang mẹ gậy vông, mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng.
Thời nay, nhiều nơi đã bãi bỏ những tang phục này. ở thành phố nhiều nhà dùng băng đen theo tang chế châu Âu, theo ý chúng tôi, tiện hơn.
– Con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ. (Kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ).
– Vợ để tang chồng.
– Nếu con trưởng mất trước thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.
2. Cơ niên: Để tang một năm. Từ niên cơ trở xuống dùng khăn tròn, vải trắng, không gậy.
– Cháu nội để tang ông bà nội.
– Con riêng của vợ để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng, nếu không ở cùng thì không tang; trước có ở cùng sau thôi thì để tang 3 tháng.
– Con để tang mẹ đẻ ra mình nhưng bị bố rẫy (xuất mẫu), hoặc cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu).
– Chồng để tang vợ cả có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì không gậy.
– Cháu để tang bác trai bác gái, chú, thím và cô ruột.
– Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ cũng tang một năm, cùng mẹ khác cha thì tang 5 tháng).
– Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả, kể cả con đi làm con nuôi nhà người.
– Chú, bác, thím cô ruột để tang cho cháu ( con anh em ruột).
– Ông bà nội để tang cho cháu trưởng (đích tôn).
– Đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu tang các con chồng, thứ mẫu tang con mình và con chồng như nhau đều một năm. Tang con dâu cả cũng một năm.
– Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức vợ lẽ cha chồng).
– Rể để tang cha mẹ vợ (vợ chết đã láy vợ khác cũng vậy).
– Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con chồng cũng như con mình (các họ hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).
3. Đại công: để tang 9 tháng.
– Anh chị em con chú con bác ruột để tang cho nhau.
– Chú, bác thím ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột).
– Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím ruột, hoặc cô ruột của chồng
- Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú thím, cô ruột.
4. Tiểu công: Để tang 5 tháng.
– Chắt để tang cụ. (Hoàng tang: Chít khăn vàng)
– Cháu để tang anh chị em ruột của ông nội (ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô).
– Con để tang vợ lẽ, nàng hầu của cha ( nếu cha giao cho nuôi mình thì để tang 3 năm như mẹ đẻ).
– Cháu để tang đường bá thúc phụ mẫu và đường cô (anh chị em con chú bác ruột của cha).
– Anh chị em con chú, bác ruột để tang cho vợ của nhau.
– Anh chị em chung mẹ khác cha để tang cho nhau (vợ con của anh chị em ấy thì không tang).
– Cháu ngoại để tang ông bà ngoại và cậu ruột, dì ruột (anh chị em ruột của mẹ, kể cả đối với anh chị em ruột của đích mẫu, thứ mẫu, kế mẫu).
– Cháu dâu để tang cô ruột của chồng.
– Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con của những người đó (tức là cháu gọi bằng bác, bằng thím).
5. Ty ma Phục: Tang 3 tháng.
– Chít để tang can (kỵ) nội (ngũ đại : Hồng tang chít khăn đỏ).
– Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).
– Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).
– Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).
– Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).
– Con để tang nàng hầu của cha.
– Con để tang bà vú (cho bú mớm).
– Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).
– Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu.
– Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau.
-Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.
– Anh chị em con cô ruột và bạn con dì ruột để tang cho nhau.
– Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột, dì ruột chồng
– Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.
– Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.
Tang bên cha mẹ nuôi:
– Kỵ bên cha nuôi thì 3 tháng, cụ bên cha nuôi thì 5 tháng, ông bà thì một năm.
– Cha mẹ nuôi thì áo bằng gấu, hoặc sổ gấu 3 năm có cả gậy.
– Từ ông bà trở lên nếu mình thừa trọng cũng sổ gấu 3 năm.
– Ông bà sinh ra mẹ nuôi thì 5 tháng, còn thì đều không có.
Tang họ nhà mình (Đã là con nuôi người khác, để tang bên họ của mình):
– Ông bà sinh ra cha thì 9 tháng.
– Cha mẹ sinh ra mình thì 1 năm có gậy.
– Bác trai bác gái, chú, thím và cô là anh chị em ruột với cha thì đều 9 tháng. – Cô đã giá thì 5 tháng.
– Anh chị em ruột thì 9 tháng, chị dâu, em dâu thì 3 tháng, chị em đã xuất giá thì 5 tháng.
Ông bà sinh ra mẹ thì 3 tháng.
Xét trong lễ nói rằng: Con gái đã xuất giá thì các tang có giáng, song đi lấy chồng, hoặc phải chồng rẫy bỏ, hoặc chồng chết, con lại chẳng có, lại trở về nhà cũng như chưa lấy chồng, tang chẳng có giáng
Nếu đương để tang cha mẹ được một năm mà chồng rẫy bỏ thì phải tang cha mẹ 3 năm, hoặc để tang cha mẹ được 1 năm đã trừ phục đoạn thì chẳng được để lại 3 năm, dù phải chồng rẫy trước, sau mới để tang cha mẹ chưa đủ 1 năm mà chồng mới gọi về thì chẳng nên về vội phải nên để trọn 3 năm.
Trường phục: có ba loại:
– Trưởng trường: Từ 16-19 tuổi
– Trung trường: Từ 12-15 tuổi
– Hạ trường: Từ 8-11 tuổi
(Đều lấy thứ tự giáng một bậc).
Ví dụ: Giai đã lấy vợ, gái đã lấy chồng, dẫu còn trẻ cũng không thể gọi là trường được, nhưng vốn mình phải tang 1 năm trưởng trường giáng xuống 9 tháng, trung trường giáng xuống 7 tháng, hạ trường giáng xuống 5 tháng.
Như vốn tang 9 tháng, trưởng trường giáng 7 tháng, trung trường giáng 5 tháng, hạ trường giáng 3 tháng, các trường hợp khác đều như thế mà suy.
Vì sao có tục mũ gai đai chuối và chống gậy?
Tục đội mũ rơm quấn thật to quanh đầu, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối ngày nay đã lỗi thời, nhiều nơi đã bãi bỏ, còn tục chống gậy chỉ áp dụng đối với con trai tang cha (gậy tre) tang mẹ (gậy vông),vẫn còn ở nhiều địa phương.
Nguyên do: Đời xưa, đường đi lại còn hẹp, có khi còn phải leo núi cao, người mất được chôn cất ở nơi xa khu dân cư, trong rừng núi, có nơi chôn ở triền núi đá có nhiều hang động. Đã có trường hợp, người con vì quá thương xót cha mẹ, khóc lóc thảm thiết, đến nỗi không kể gì đến sinh mạng của mình, đập đầu vào vách đá, khi leo núi đi về vì thương cảm quá mất cả thăng bằng ngã lăn xuống vực. Để tránh tình trạng trùng tang thảm hại đó, người ta mới đặt ra lệ phải quấn quanh đầu những vật liệu mềm, xốp để nếu va vấp đỡ gây tổn thương và đặt ra lệ phải chống gậy để đi đứng an toàn hơn. Vật liệu dễ kiếm nhất, giàu nghèo ai cũng có thể tự liệu được và ở đâu cũng có thể kiếm được để làm chất đệm, đó là rơm, lá chuối, dây gai, dây đay. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của một số người, dần dần trở thành phong tục phổ biến.
Vì ngày thường đi lao động ở đồng ruộng, núi rừng hoặc đi đứng đều mặc quần áo gọn bó vào người, đến khi có tang tế phải mặc áo dài rộng, dễ vướng gai góc nên phải có dây đai, tục đó cũng xuất xứ từ việc tránh nạn trùng tang.
Tại sao có tục kiêng không để cha mẹ đưa tang con?
Tử biệt sinh ly, ai không thương xót, nhưng theo quy luật tự nhiên, cha mẹ già yếu từ trần, con báo hiếu cha, mẹ, đưa tang bố mẹ là chuyện thường tình. Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, nhiều trường hợp chết non, gây nhiều nỗi đau thương cho bố mẹ. Giờ phút hạ huyệt là giờ phút xúc động đến cực điểm, có nhiều ông bố bà mẹ đã bị ngất lịm đi. Đã có nhiều trường hợp mẹ chết luôn bên huyệt chôn con. Hơn nữa, ngày xưa, phương tiện và thuốc thang cấp cứu khó khăn, không cho cha mẹ đưa tang con để vơi bớt nỗi đau buồn và để tránh nạn trùng tang là đúng. Chẳng những cha mẹ mà các ông già bà cả trong nội thân, sức khoẻ đã tàn cũng không được dự đưa tang, sợ vướng đến sức khoẻ
Cha mẹ có để tang con không?
Tang phục là thể hiện tình nghĩa, có phân biệt thân sơ “Họ đương 3 tháng, láng giềng 3 ngày”, thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất người còn. Vì thế, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang. Theo “Thọ mai gia lễ” thì chẳng những cha mẹ để tang con mà ông bà và cụ kỵ cũng để tang hàng cháu, hàng chắt.
“Thọ mai gia lễ” quy định như vậy nhưng một số địa phương Bắc bộ quan niệm “Phụ bất bái tử” (cha không lạy con), Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã chốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng. Nếu là đàn bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.
Cư tang là gì?
Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về cư tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài. Lệ này không quy định đối với binh lính và nha lại. Nếu ai vì tham quyền cố vị, giấu diếm không tâu báo để về cư tang, bị đàn hặc vì tội bất hiếu, sẽ bị triều đình sử phạt biếm truất. Trong thời gian cư tang, lệnh vua không đến cửa.
Ba năm cư tang là ba năm chịu đựng gian khổ, nhẫn nhục, không dự mọi cuộc vui, không dự lễ cưới, lễ mừng, không uống rượu (ngoài chén rượu cúng cha mẹ), không nghe nhạc vui, không ngủ với vợ hoặc nàng hầu, trừ trường hợp chưa có con trai để nối dõi tông đường, ngoài ra ai sinh con trong thời kỳ này cũng bị coi là bất hiếu. Không được mặc gấm vóc, nhung lụa, không đội mũ đi hia, thường đi chân không, cùng lắm chỉ đi guốc mộc hoặc giày cỏ.
Dầu làm đến tể tướng trong triều, khi khách đến viếng cha mẹ mình, bất kể sang hay hèn cũng phải cung kính chào mời và lạy tạ (hai lạy hay ba vái dài). Khi ra đường, không sinh sự với bắt cứ người nào. ở trong nhà, đối với kể ăn người ở cũng không được to tiếng.
Ba năm sầu muộn, tự nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với kẻ dưới, cung kính với khách bạn, để tỏ lòng thành kính với cha mẹ.
Thời nay không còn lệ cư tang, nhất là các cán bộ chủ chốt càng không có điều kiện nghỉ việc thời gian dài, nhưng biết qua lệ cư tang của ông cha ta ngày xưa, hậu sinh có thể học được điều gì trong thái độ ứng xử?
Phong Tục Tang Lễ Việt Nam, cơ sở dịch vụ tang lễ tư vấn miễn phí phong tục tang lễ việt nam cho gia đình người mất phù hợp với từng tôn giáo riêng biệt, cơ sở mai tang, dịch vụ tang lễ xe tang lễ, cho thuê xe tang lễ, dịch vụ bốc mộ cơ sở tang lễ
Dịch vụ tang lễ trọn gói Minh Châu cung cấp vòng hoa tang lễ, xe phục vụ tang lễ với mức giá rẻ nhất
Trả lờiXóa